Hội thảo do Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam đồng chủ trì.
Các báo cáo trình bày tại hội thảo nêu rõ, Curcumin là hoạt chất chính tạo nên màu vàng và tác dụng của nghệ. Nhiều nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng đã chứng minh Curcumin có nhiều hoạt tính sinh học quý như: chống ung thư, chống viêm, kháng khuẩn, bảo vệ gan, thận, phòng nhồi máu cơ tim…
Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Nano trong y dược học, bước đầu ứng dụng Nano Curcumin trong phòng và trị bệnh” tổ chức ngày 29/10. Ảnh:ĐT |
Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị đầu tiên ở nước ta chiết xuất thành công Nano Curcumin từ cây nghệ vàng, với kích thước tiểu phân nanno 50-70nm, độ tan trong nước đạt 10%, với tiêu chuẩn chất lượng tương đương chế phẩm Nano Curcumin của Mỹ, cao hơn chế phẩm của Ấn Độ, Trung Quốc…
Tại Hội thảo, Giáo sư Đào Văn Phan - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trong y học cổ truyền, cây nghệ vàng (Curcuma longa) được sử dụng như một vị thuốc với nhiều công dụng như liền vết thương, mờ sẹo, chữa đau dạ dày, giải độc gan, co hồi tử cung sau sinh... Tuy nhiên, hạn chế chính giới hạn khả năng ứng dụng Curcumin trong điều trị chính là độ tan, độ hấp thu rất thấp. Do đó, công nghệ nano đã khắc phục được rào cản này, giúp tăng độ hấp thu lên 95% và hiệu quả điều trị của nano Curcumin gần 40 lần so với Curcumin thường, đem đến hy vọng mới cho các bệnh nhân mạn tính.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, việc lần đầu tiên ở nước ta ứng dụng thành công công nghệ Nano vào sản xuất dược phẩm Cumargold đã đánh dấu bước khởi đầu hiệu quả cho mô hình hợp tác chuyển giao đề tài nghiên cứu giữa các nhà khoa học và nhà sản xuất. Đồng thời, đây cũng là bước tiến của ngành hóa dược Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học vào trong thực tiễn cuộc sống.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe các nhà nghiên cứu trình bày nhiều vấn đề nổi bật như: “Thế kỷ 21 – Đánh thức tiềm năng của cây nghệ - dược liệu quý trong y học cổ truyền”; “Nghiên cứu chế tạo hạt Mi-xen Polyme có kích thước nano tan trong nước để sản xuất nano curcumin”; “Nghiên cứu so sánh khả năng xâm nhập và hoạt tính chống một số dòng tế bào ung thư của nano curcumin với curcumin thường” …/.
Theo: dangcongsan.vn